Độ trong rõ của lời nói (C50)

18 Tháng Sáu, 2023

Một môi trường âm thanh trong phòng được gọi là đạt chuẩn, được đánh giá dựa trên 4 tiêu chí điển hình đó là thời gian âm vang (RT), độ trong rõ của lời nói (C50), cường độ âm (Gain – G) và độ lan truyền khuếch tán của sóng âm. Độ trong rõ của lời nói quyết định đến khả năng tiếp nhận thông tin của người nghe, đóng góp vào trải nghiệm chất lượng âm học của chính người sử dụng không gian đó.

Định nghĩa độ trong rõ của lời nói

Độ trong rõ của lời nói được đặc trưng bởi chỉ só C50 – đây là thước đo khách quan thể hiện sự trong rõ của âm thanh trong phòng và chất lượng của nó khi chuyển tải đến người nghe, có đủ trong rõ và đủ để nghe hiểu hay không. Đơn vị đo của C50 là dB.

Nền tảng hình thành nên chỉ số C50 là do những phản âm chậm không mong muốn làm ảnh hưởng đến sự tiếp nhận thông tin của lời nói. Những phản âm này trộn lẫn nhau sẽ làm cho lời nói không rõ ràng.

Tuy nhiên, nếu độ trễ không vượt quá một giới hạn thời gian nhất định thì những âm phản xạ sẽ đóng góp tích cực cho độ rõ của lời nói. Giới hạn thời gian tới hạn phân biệt những âm thanh phản xạ có lợi và có hại là khoảng 50ms.

Phép đo Độ trong rõ của lời nói (C50) so sánh năng lượng âm trong phản âm sớm với phản âm chậm. Đơn vị đo của C50 là dB. Giá trị của C50 càng cao thì độ trong rõ càng tốt.

Công thức tính C50

C50 đo tỉ lệ giữa năng lượng âm thanh đến sớm (từ 0 đến 50 ms) và năng lượng âm thanh đến trễ (đến trễ hơn 50 ms), được thể hiện bằng công thức dưới đây:

Chỉ số truyện thoại (STI)

Một phép đo khác để đánh giá sự trong rõ của lời nói là Chỉ số truyền thoại (STI).

Chỉ số truyền thoại (STI) là phép đo khách quan về chất lượng truyền giọng nói với giá trị đo nằm trong khoảng từ 0 đến 1.

Chỉ số STI=1 có nghĩa là một bài phát biểu có độ rõ hoàn toàn tuyệt đối. Giá trị STI càng thấp thì chất lượng về độ rõ của lời nói càng giảm. Ví dụ, trong một lớp học với kích thước thông thường thì chỉ số STI nên nằm trong khoảng 0,75-0,8. Trong trường hợp quá trình truyền thoại kém thì những biến thể của lời nói được tiếp nhận kém hơn.

Các yếu tố làm giảm khả năng truyền giọng nói, do đó góp phần làm giảm chỉ số STI, chẳng hạn như tiếng ồn xung quanh, thời gian âm vang dài và tiếng dội.

Các yếu tố ảnh hưởng đến Độ trong rõ của lời nói

  • Vị trí và số lượng tấm hút âm. Chẳng hạn, nếu mặt tường hậu của một phòng lớn được lắp hệ thống tường tiêu âm thì sẽ giảm thiểu lượng âm phản xạ trễ.
  • Các bề mặt phản xạ, nên đặt gần loa hoặc nguồn âm, sẽ làm tăng độ rõ của lời nói.
  • Hình dạng của phòng: Phòng nên có hình dạng giúp rút ngắn khoảng cách giữa người nói và người nghe
  • Tỷ lệ cường độ giữa các nguồn âm, chẳng hạn như tỷ lệ âm thanh lời nói trên cường độ của tạp âm nền
  • Các vật tán xạ âm lắp trên tường hoặc tấm tường hút âm sẽ giúp loại bỏ hiện tượng dội âm giữa các bức tường.